Mô hình học tập quen thuộc tại WSSG “Dạy học dự án” luôn là hành trình đầy bất ngờ với những sáng tạo và thích thú của cả các em học sinh cũng như thầy cô hướng dẫn. Với những dự án của lứa tuổi Tiểu học, các em tự khám phá những kiến thức hết sức gần gũi và đơn giản qua hình thức học mà chơi.
Dù là khối lớp nhỏ nhất trường nhưng các em lớp 1 đã thể hiện sự xuất sắc của mình qua các hoạt động sôi nổi trong Dự án “Giờ chơi đến rồi”. Đúng như tên gọi, nội dung dự án tập trung vào giới thiệu đến học sinh các trò chơi dân gian của Việt Nam, thông qua đó giúp các em rèn luyện Kỹ năng sống, mở rộng thêm vốn từ, phát triển ngôn ngữ và thể chất, đồng thời các em còn có cơ hội hiểu hơn về văn hóa và bản sắc dân tộc. Cứ mỗi thứ hai hằng tuần, các em háo hức với điều thú vị đang chờ mình phía trước “Hôm nay cô sẽ giới thiệu với mình trò gì nhỉ? Mình sẽ chạy nhảy ngoài sân hay phải tập trung suy nghĩ đây nhỉ…?” Và khi những thắc mắc đã được giải đáp trong sự vỡ òa vì vui sướng khi được làm quen với trò chơi mới, thì cũng là lúc các thầy cô giáo tất bật hỗ trợ cho các “new member”. Nào là “Cô ơi, con làm thế này đúng chưa?” hay “Cô ơi, sao con làm mà nó cứ bị sai hoài à!”… Rồi dần dần, những tiếng “cô ơi, cô ơi” được thay thế bằng những tiếng cười đùa giòn tan, những gương mặt rạng ngời vẻ chiến thắng khi đã làm chủ được trò chơi. Không chỉ dừng lại ở trường, khi về nhà các con còn chủ động tìm hiểu thêm trò chơi mới để ngày hôm sau giới thiệu với các bạn trên lớp. Giờ đây, giờ chơi tại Wellspring Saigon bên cạnh việc tham gia vào các trò vận động thể thao như bóng đá, bóng rổ, cầu lông…, hay ngồi trong một không gian yên tĩnh tại thư viện để đọc những cuốn sách hay, hoặc là tham gia vào “English zone” thì đâu đó trong từng góc lớp, góc sân trường lại xuất hiện những bạn nhỏ đang cùng nhau búng thun, hoặc nhảy dây bằng sợi dây do chính tay mình đan, đâu đó lại vang lên tiếng í ới nhắc bạn mình đến lượt rãi sỏi trong trò “Ô ăn quan”… Qua dự án, các con đã có nhiều sự lựa chọn hơn cho giờ “breaktime” của mình, qua đó cùng nhau học tập, rèn luyện và phát triển trong môi trường an toàn và thân thiện.
“Rác thải nhựa – Chuyện không của riêng ai” là thông điệp mà Dự án “Green life” ở khối 2 muốn gửi đến cộng đồng. Chính thực trạng ôi nhiễm môi trường đáng báo động hiện nay là động cơ thúc đẩy các giáo viên xây dựng nên dự án đầy ý nghĩa này. Các em học sinh sẽ thể hiện trách nhiệm của một công dân toàn cầu, với nhiệm vụ giải cứu Trái Đất, trả lại môi trường trong lành và an toàn cho sự phát triển. Mỗi công nhân toàn cầu ấy, với năng lực đặc biệt của mình trong các lĩnh vực như: kĩ sư môi trường, tuyên truyền viên, phóng viên, nhân viên kinh doanh… sẽ cùng nhau làm việc team work một cách hiệu quả nhất để tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm giảm thải và tái chế lượng rác thải khổng lồ hiện nay, đặc biệt là rác thải nhựa. Trong quá trình thực hiện, các giáo viên không khỏi bất ngờ trước sự sáng tạo của các em, nhiều cách làm hay đã được đề xuất từ những chất liệu quen thuộc trong cuộc sống. Từ tái chế rác thải, tuyên truyền nâng cao ý thức mọi người qua bài hát, vở kịch, bài thơ… hay sử dụng chính những nguồn rác thải ấy tạo ra các giá trị kinh tế nhằm mục đích từ thiện… Mỗi giờ học kết thúc, lại có vài món đồ tái chế xinh xinh được đặt ngay ngắn hành lang lớp học như một sản phẩm tuyên truyền hiệu quả thực tế cho dự án này. Giải quyết vấn nạn môi trường là một vấn đề lớn của toàn thế giới và cần một thời gian dài, nhưng chúng ta vẫn có quyền tin rằng những bạn nhỏ ấy sẽ từng bước một tạo ra những điều nhỏ nhoi và biết đâu là cả một bước ngoặt lớn lao cho Trái Đất trong tương lai.
Nhà trường thấu hiểu rằng ngoài việc đảm bảo phát triển về kiến thức thì việc giúp học sinh hình thành và phát triển các kỹ năng sống cũng là điều vô cùng quan trọng trong thời đại hiện nay. Ngoài những kĩ năng sống đã được hệ thống hóa trong chương trình học môn “Kĩ Năng Sống”, hay thông qua các hoạt động trải nghiệm, thì ở khối 3 cách bạn học sinh còn biết thêm nhiều kĩ năng về an toàn cho bản thân qua dự án “Safety for kids”. Người lớn luôn là chỗ dựa an toàn cho con trẻ, tuy nhiên để trẻ tự phân biệt các mối nguy hiểm và biết cách tự bảo vệ bản thân mới là điều thiết yếu nhất mà chúng ta nên dành cho trẻ. Bởi vì khi trẻ đã có kĩ năng tự giữ an toàn thì chúng ta có thể yên tâm để trẻ tự do khám phá thế giới và phát triển bản thân. Dự án là một chuỗi các buổi học về các tình huống thường gặp đối với trẻ, thông qua nhiều phương pháp học tập tích cực như làm việc nhóm, thảo luận, đóng vai, thuyết trình, làm quizz, kể chuyện, vẽ tranh… học sinh sẽ rút ra được các nguyên tắc an toàn cho bản thân. Các nguyên tắc ấy được cô đọng thành những bài thơ ngắn dễ học, dễ thuộc, nhằm giúp học sinh vận dụng nhanh khi cần thiết.
Bài thơ “Bước chân an toàn”
“Xin chào các bạn nhỏ
Hôm nay tớ muốn ngỏ
Đôi lời chuyện bước chân
Muốn an toàn bản thân
Cần đi thật từ tốn
Khi đi bạn hãy nhớ
Bước nhẹ nói khẽ thôi
Đừng chạy nhảy đẩy xô
Ôi hiểm nguy bạn nhé
Hãy cùng nhau quy ước
Giữ an toàn chính ta
Và cả người xung quanh
Để tiếng cười vang mãi.”
Bên cạnh việc làm quen với các tình huống cụ thể, học sinh còn được hóa thân vào các nghề nghiệp khác nhau như phóng viên, tuyên truyền viên, nghiên cứu viên, lan tỏa viên… và cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ được giao trong dự án. Không chỉ dừng lại ở phạm vi trường học, mỗi bài học trong dự án đều được giáo viên lồng ghép và khai thác tuyệt đối vào các chuyến dã ngoại của nhà trường, dưới sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ giáo viên, bảo vệ và các hướng dẫn viên du lịch. Dù đây không phải là đề tài xa lạ, tuy nhiên những kết quả mà dự án mang lại quả thật khiến các thầy cô thực sự thấy hạnh phúc. Hạnh phúc khi các bạn học sinh viết nhắc nhở nhau hãy đi chậm, đừng chạy khi đi trên cầu thang, khi các bạn nhắc nhau không nên mở cửa cho người lạ, giờ ăn các bạn biết ngồi ăn ngay ngắn không chạy nhảy nô đùa… Chúng ta không thể tạo ra một thế giới an toàn cho trẻ, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giúp trẻ biết tự bảo vệ bản thân mình, đó là một trong những điều quan trọng mà Nhà trường luôn muốn mang đến cho những đứa trẻ tại Wellspring Saigon.
Cùng một mục tiêu hướng đến bảo vệ môi trường, ở khối 4 các bạn học sinh lại quan tâm nhiều hơn đến tìm hiểu và bảo vệ rừng. Dự án này cũng gắn liền với nhiều nội dung bài học chính khóa của khối. Dự án là cơ hội để các bạn học sinh tìm hiểu về vai trò, lợi ích của rừng đối với sự sống con người và các loài động vật, thực vật. Đồng thời các bạn cũng đi sâu tìm hiểu thực trạng rừng hiện nay và đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ và phát triển rừng. Bắt tay vào thực hiện dự án với bao ấp ủ về thông điệp đầy tính nhân văn nhằm “Bảo vệ rừng – Bảo vệ chính chúng ta” các nhóm học sinh đã tự tay vẽ nên “Giấc mơ xanh” – giấc mơ về một thế giới trong lành, với sắc xanh của cây cối ngập tràn Trái Đất. Với sự đầu tư vào trong từng nét vẽ, các bạn học sinh đã tạo ra những bức tranh đầy màu sắc, tạo cho người xem cảm giấc ấm áp vô cùng. Sắp tới các bạn sẽ còn một hoạt động hết sức ý nghĩa đó là “Chạy bộ vì môi trường”. Thông qua đó, các bạn muốn tuyên truyền đến mọi người xung quanh về ý thức bảo vệ, trân trọng giá trị của rừng xanh đồng thời cũng cần biết chăm sóc sức khỏe bản thân mình.
Mục tiêu giáo dục của Nhà trường luôn tập trung phát triển cho học sinh một nền tảng vững chắc, trở thành công dân toàn cầu, đáp ứng những đòi hỏi cao trong thời đại 4.0, đồng thời vẫn duy trì những giá trị nhân văn và nét đẹp của bản sắc dân tộc. Trên cơ sở xây dựng những lớp thế hệ học sinh “Có tầm nhìn Quốc tế và tâm hồn Việt Nam”, ở khối lớp 5 đã triển khai Dự án “Vui học lịch sử”. Qua dự án, học sinh biết về nguồn gốc của dân tộc, biết quý trọng, gìn giữ non sông, xây dựng lòng yêu nước, lòng tự hào, từ đó biết trân trọng và tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, qua dự án những câu chuyện, bài học lịch sử trở nên sinh động, dễ hiểu và dễ nhớ hơn. Trong quá trình thực hiện, các bạn đã tạo nên một tuyển tập truyện tranh lịch sử Việt Nam giai đoạn 1858 – 1975 cho riêng mình. Với những hình ảnh sinh động, lời dẫn truyện dí dỏm nhưng vẫn đảm bảo tính chân thực trong lịch sử, chắc chắn sẽ làm người đọc thích thú và say mê. Sau những ngày tháng say mê tìm hiểu về lịch sử dân tộc thì cuộc thi “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5” diễn ra vào cuối học kì I chính là cơ hội để các em tự kiểm tra lại kiến thức của bản thân mình. Giờ đây, những tiết học lịch sử không còn là những bài giảng – hoạt động từ giáo viên mà chính các bạn học sinh mới là người tự tìm hiểu và chia sẻ kiến thức với nhau. Qua sự tìm tòi đó, các bạn thấy được rõ hơn những nét đẹp, những điều thú vị trong lịch sử, và bằng một cách rất tự nhiên như thế các bạn đã yêu hơn hai chữ “Việt Nam”.
Để thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất, các em học sinh phải chủ động sử dụng kiến thức từ nhiều môn học khác nhau. Từ vận dụng các kỹ năng làm tính, thống kê và phân tích số liệu trong Toán học, hay kỹ năng soạn thảo, thiết kế powerpoint, đồ họa, cắt dựng clip, dùng google drive, mail… trong môn Tin học, hay kỹ năng đàn, hát, sáng tác… trong các môn nghệ thuật và thậm chí là sự dẻo dai, sức bền, độ chính xác cao trong các môn thể thao vận động… Mỗi hoạt động trải qua là lúc các học sinh tự rèn luyện cho mình thêm nhiều kỹ năng thiết thực như: thuyết trình, lập kế hoạch, sử dụng sơ đồ mindmap, lãnh đạo nhóm….Nhìn nhận lại sau nhiều năm đưa vào giảng dạy, mỗi dự án lại là một cuộc hành trình để các WISer có thêm nhiều kiến thức và trải nghiệm, giúp các con dần hoàn thiện và tự tin hơn trên con đường dẫn đến tương lai, nhưng hơn hết, điều đáng quý nhất là các con biết tự đánh thức những tài năng tiềm ẩn trong bản thân qua đó hiểu rằng “Mỗi người trong chúng ta đều có những điều tốt đẹp đáng được trân trọng”.